Trang trí nội thất phòng tắm cho bé thật đẹp mắt sẽ làm trẻ hào hứng và tự giác hơn với việc làm vệ sinh cá nhân. Bạn sẽ không còn mệt mỏi khi thường xuyên phải giục bé đi tắm hay đánh răng rửa mặt…
Nội thất phòng tắm cho bé – Thiết bị vệ sinh
Phòng tắm của trẻ không cần diện tích quá lớn cũng như cần đầy đủ các chức năng như phòng tắm của bố mẹ mà chỉ cần một khu vệ sinh phù hợp với lứa tuổi và tâm sinh lý của bé. Phòng tắm nên chia thành hai khu vực: khu vực ẩm dùng để tắm và khu vực khô dành cho những nhu cầu cá nhân khác.
Tốt nhất là nên chọn bộ thiết bị vệ sinh dành riêng cho trẻ em để lắp đặt trong phòng bé. Nếu không thể chọn được bộ ưng ý, bạn cũng có thể dùng thiết bị vệ sinh của người lớn cho bé với chiều cao và kích cỡ nhỏ xinh nhất có thể để vừa tầm với của bé. Nên nhớ các màu sáng như trắng, hồng phấn, xanh da trời, vàng nhạt… sẽ làm bé vui thích hơn.
Khô thoáng trong không gian nội thất phòng tắm cho bé
Phòng tắm của bé luôn cần sự khô thoáng và ánh sáng tự nhiên. Vì vậy, ngoài hệ thống đèn vừa với thị lực của bé, bạn nên mở cửa sổ hoặc tạo những ô thoáng tối đa trong phòng.
Một chi tiết không thể thiếu trong phòng tắm dành cho trẻ em là tấm rèm không thấm nước chắn ở khu vực bồn tắm. Chúng không chỉ có tác dụng chống bắn nước ra các khu vực khác mà còn là chi tiết trang trí rất đáng yêu. Các mẫu rèm phòng tắm cho bé thường có màu sắc tươi sáng, hình ảnh vui nhộn, đáng yêu. Khi không tắm, bố mẹ có thể kéo rèm ra để hơi nước thoát hết ra ngoài, tạo sự thông thoáng cho căn phòng.
Đồ trang trí nội thất phòng tắm cho bé
Có thể đôi lúc bạn sẽ thấy rất khó khăn khi phải với tay lên chiếc tủ treo để lấy khăn tắm, giấy vệ sinh hay những đồ mỹ phẩm cá nhân khi cần. Vì vậy, bạn cũng nên đặt cho bé những chiếc kệ hoặc giá trần (không cánh) xinh xắn, thuận tiện cho bé khi lấy đồ. Bạn hãy hướng dẫn bé cách sắp xếp đồ vật gọn gàng, vật nào để chỗ đó để bé quen dần với nếp sống trật tự, ngăn nắp.
Đặt vài con vịt nhựa vào bồn tắm hoặc cho phép bé mang vài món đồ chơi đặt trên kệ khô. Treo những bức tranh ngộ nghĩnh hay thậm chí đặt cả chiếc ghế tựa hoặc gối ngồi xinh xắn trong phòng tắm, cũng sẽ làm bé nhà bạn vô cùng thích thú.
Cha mẹ nên lắng nghe ý kiến và cho bé tự quyết định một số chi tiết trong phòng của mình. Huấn luyện bé biết cách sử dụng phòng tắm đúng cách cũng như giữ gìn vệ sinh trong phòng cũng là điều không thể thiếu trước khi bạn “giao phòng” cho bé.
Đồ lót sàn không trơn trượt
Sàn phòng tắm phải đảm bảo độ chống trơn trượt cho bé. Tốt nhất nên thiết kế phòng tắm khô, tức là khu tắm được ngăn cách tấm rèm hoặc kính, sàn được xử lý kỹ thuật để không bắn và tràn nước ra bên ngoài. Cũng có thể lát kèm các loại gạch hoa, gạch màu hay có hình trang trí xen với những viên gạch nền để trang trí cho sàn nhà.
Ở khu vực khô như lavabo, xí bệt… bạn có thể lát sàn bằng gỗ chống thấm vừa sang trọng vừa tạo cảm giác gần gũi với tự nhiên.
Khi thiết kế nội thất phòng tắm cho bé bạn nên chọn các mẫu thảm ngỗ nghĩnh dành cho trẻ để đặt trong phòng tắm. Mẫu thảm nên đồng điệu với sắc màu trang trí của phòng tắm như rèm, chi tiết gạch men hoặc cùng chủ đề như con vật, hoa, phong cảnh… Chỉ cần với những chi tiết trang trí nhỏ như vậy cũng giúp cho phòng tắm của bé trở nên đáng yêu, giúp định hướng gu thẩm mỹ cho bé từ ngay từ thủa nhỏ.
Nội thất phòng tắm cho bé – Trang trí tường nhà
Ngày nay, tường phòng tắm không còn bắt buộc phải lát gạch men. Trừ khu vực tắm (bồn tắm, ô tắm kính), các thiết kế hiện đại luôn đảm bảo cho bé một phòng tắm khá khô thoáng.
Vì vậy, bạn hãy để bé chọn màu sơn cho phòng mình hoặc có thể sơn các bức tranh, họa tiết trang trí ngộ nghĩnh lên tường theo sở thích của bé. Lưu ý bạn nên chọn loại sơn chống thấm, có cửa sổ thoát ẩm trong phòng vì dù sao phòng tắm cũng ẩm hơn các phòng khác trong nhà.
KTS. Nguyễn Mạnh Cường
Công ty Cổ phần Kiến trúc DMC Việt Nam
Gửi nhận xét của bạn
You must be logged in to post a comment.